( Ahatech.vn ) – Chỉ cần khắc phục những sai lầm này, thì chiếc điều hòa vừa phát huy được tối đa khả năng làm mắt, vừa tiết kiệm được nhiều điện đấy!
Mùa hè đến kéo theo những ngày nắng nóng kéo dài và song song với đó là những thiết bị làm mát như quạt, điều hòa được dịp chạy hết công suất. Nhưng bật điều hòa thoải mái đồng nghĩa với việc cuối tháng bạn sẽ “đau lòng chết đi được” khi nhìn hóa đơn tiền điện. Vậy có cách nào để bật điều hòa mà vẫn tiết kiệm điện không? Câu trả lời là có, và cũng không hề khó khăn gì đâu!
1. Không tắt bật điều hòa liên tục
Nhiều người có suy nghĩ là để tiết kiệm điện, khi nóng mới bật, còn khi đủ mát lại tắt đi. Nhưng mới đây, đài truyền hình Chosun Hàn Quốc đã làm thử nghiệm nhỏ với 2 chiếc điều hòa để trong 2 căn phòng có cách bài trí ý như nhau. Trong đó một chiếc điều hòa chạy liên tục trong 2 giờ và một chiếc tắt đi, mở lại 2 lần. Kết quả thật bất ngờ, chiếc chạy suốt 2 giờ tốn hết 165kwh điện, chiếc tắt, bật 2 lần tốn 260kwh điện.
Như thế có thể thấy lượng điện năng tiêu thụ của chiếc tắt – bật cao hơn 70% so với chiếc không tắt. Như vậy, muốn tiết kiệm điện, bạn không nên tắt, bật điều hòa liên tục trong thời gian ngắn.
2. Để nhiệt độ quá thấp
Trong suy nghĩ của nhiều người, bật nhiệt độ thấp sẽ khiến phòng lạnh sâu hơn. Nhưng như thế sẽ tốn điện vô cùng. Với thời tiết mùa hè ở Việt Nam, mức nhiệt điều hòa lý tưởng nhất là khoảng 25 đến 27 độ C, phù hợp với khí hậu nắng nóng hiện tại của Việt Nam. Dù nóng đến mấy, bạn cũng không nên điều chỉnh điều hòa thấp hơn 25 độ để tiết kiệm điện năng và tránh khả năng “sốc nhiệt” khi ra vào phòng được đặt điều hòa ở nhiệt độ thấp.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu ý rằng sau khi khởi động máy, không nên chỉnh nhiệt độ quá thấp ngay. Bởi nhiệt độ càng thấp, máy sẽ phải đẩy mạnh hoạt động của động cơ để đạt được nhiệt độ như điều chỉnh, từ đó khiến điện năng bị tiêu thụ nhiều hơn.
3. Để quạt ở vị trí đối diện luồng gió điều hòa
Theo ý kiến các chuyên gia, nếu có thêm quạt chạy cùng điều hòa, nhà sẽ mát hơn nhiều. Vì quạt có tác dụng đẩy khí nóng lên trên, đẩy luồng khí mát bên dưới, tạo ra hiệu ứng gió mạnh, làm cho bạn cảm thấy mát hơn dù không cần để nhiệt độ thấp. Đồng thời, sử dụng quạt sẽ giúp tránh cảm giác khô, bảo vệ sức khỏe của bạn. Nhưng có 1 lưu ý nhỏ là khi sử dụng quạt chung với điều hòa thì bạn cần phải đặt quạt cùng hướng với điều hòa. Bởi nếu đặt quạt thổi vào điều hòa sẽ gây tốn điện hơn đấy.
4. Chọn điều hòa có công suất không phù với diện tích phòng
Việc chọn điều hòa có công suất phù hợp với diện tích phòng là điều tối cần thiết để chạy điều hòa mà vẫn tiết kiệm điện. Bởi nếu công suất thừa thì tốn điện, công suất yếu thì không hiệu quả lại khiến máy bị quá tải.
Cứ 1.000 BTU chuẩn thì tải được 2m² là tối đa. Nghĩa là, với phòng có diện tích 9 – 18 m², bạn có thể lắp điều hòa có công suất 9000 BTU/h, diện tích trong khoảng 15 – 24 m² cần dùng máy 12.000 BTU/h. Ngoài ra nếu phòng âm mát, bạn có thể giảm công suất đi 10%; nếu phòng ở nơi có nhiều nắng, tăng thêm 10% công suất.
5. Không bảo trì, làm sạch
Cho dù điều hòa của bạn vẫn đang hoạt động tốt, nhưng việc bảo trì định kỳ là vô cùng cần thiết để nguồn không khí của nhà bạn được sạch hơn. Đồng thời việc bảo trì điều hòa còn đảm bảo rằng các bộ phận của máy được sạch sẽ, hoạt động hiệu quả hơn hẳn. Cụ thể điều hòa cần được làm sạch bộ lọc ít nhất mỗi 2 tháng/lần. Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyên rằng nên định kì thay mới bộ lọc máy điều hòa từ 1 đến 2 năm một lần.