Sinh khí ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của con người. Nhà có sinh khí tốt sẽ khiến gia chủ thấy bình an, ấm cúng, còn nhà thiếu sinh khí sẽ gây cảm giác căng thẳng, đau yếu và dễ gặp xui xẻo trong cuộc sống.
Sinh khí được hiểu là khí tích cực, khí lành. Ngôi nhà có sinh khí phải có đầy đủ các yếu tố như gió trong lành, ánh sáng chan hòa, tất cả không gian trong nhà mang đến sự thoải mái và tiện lợi. Đặc biệt, các phòng trong nhà nên được thiết kế theo nguyên tắc đón nhận năng lượng tích cực từ bên ngoài và đẩy ra những vận khí xấu từ bên trong.
Những không gian “bí” sinh khí là nơi bị đóng kín, lưu cữu khí độc trong phòng không thoát được và thiếu ánh sáng tự nhiên. Đồng thời, những không gian đó nằm trên một tổng thể, địa thế không tốt như nhiều tiếng ồn, không khí ô nhiễm, thế đất trũng, thiếu cảnh quan xung quanh. Các nơi bí sinh khí thường tạo nên những không gian bí bách, tù túng, gây cảm giác mất cân bằng, căng thẳng cho gia chủ.
Theo thạc sỹ Trần Quang – tác giả cuốn sách “Phong thủy thực hành” thì: “Có nhiều gia đình xây nhà đồ sộ, đầu tư rất nhiều thiết bị để phục vụ cuộc sống, nhưng thể chất và tinh thần vẫn ngày một yếu đi, ấy là do gia chủ đã không chú ý tới cách bố trí nội thất và không gian để các dòng khí được lưu thông một cách hợp lý”
Chính vì sinh khí có ý nghĩa quan trọng nên trước khi quyết định xây dựng hay mua nhà, gia chủ nên xem xét kỹ càng về phong thủy. Dưới đây là một số mẹo giúp căn nhà bạn tràn ngập ánh sáng:
Lối vào nhà và cửa chính
Đây là yếu tố hàng đầu mang lại sinh khí cho ngôi nhà. Chính vì thế, trước tiên cần phải quan tâm đến việc bố trí và thiết kế cửa, vì cửa là nơi đón và thoát khí.
Từ xưa tới nay người Việt vẫn ưa thích cửa nhà quay về hướng Nam hoặc hướng Đông Nam để đón luồng gió lành. Nếu đã chọn được hướng tốt thì phía trước cửa chính không nên có vật cản trở như cây to, cột điện để dòng khí được vận chuyển một cách thuận lợi vào nhà.
Trong trường hợp hướng nhà không tốt, nhiều gia đình đã trồng cây cảnh hay để hòn non bộ ở phía kia của cửa chính làm vật cản giảm bớt ảnh hưởng của luồng khí độc và tạo ra sự đối xứng.
Tỷ lệ giữa cửa chính và cửa phụ cũng là điều cần phải lưu tâm. Cửa chính phải to hơn cửa phụ (cửa hông) vì nếu ngược lại có nghĩa là khí thoát đi sẽ nhiều hơn khí vào – nhà sẽ bị mất nhiệt dẫn đến không khí lạnh lẽo.
Xét về mặt hình thức kiến trúc điều này cũng hợp lý. Vì nhìn vào tỉ lệ người ta cũng phải biết đâu là cửa chính, hướng chính của nhà, đâu là hướng phụ.
Các cửa (các loại cửa đi và cửa sổ) trong nhà không nên bố trí theo một đường thẳng dẫn đến các không khí vẫn chuyển theo đường thẳng tạo thành luồng gió lùa mạnh không tốt cho sức khỏe.
Khi các cửa được bố trí lệch nhau thì luồng khí sẽ tản đều trong phòng của bạn và mọi ngóc ngách trong phòng đều thoáng mát. Trong trường hợp các cửa được bố trí thẳng nhau, bạn nên đặt một vật trang trí làm vật cản để tản khí trong phòng.
Cầu thang và giếng trời
Cửa là yếu tố quan trọng lưu thông các dòng khí theo phương ngang, còn cầu thang và giếng trời là yếu tố lưu thông dòng khí theo phương thẳng đứng của ngôi nhà. Đôi khi cầu thang và giếng trời được kết hợp với nhau tạo thành một khoảng không gian thông thoáng để lấy sáng. Nếu thiết kế khéo đây sẽ là một khu vực rất đẹp của ngôi nhà. Các KTS đặc biệt rất lưu tâm đến yếu tố này của ngôi nhà.
Giếng trời phải thoáng, sạch sẽ, không nên quá sâu, tốt nhất là hình vuông thuận lợi cho việc lưu thông không khí. Nên ốp những loại gạch trang trí dễ lau chùi và không hút ẩm ở giếng trời để thuận tiện cho việc dọn vệ sinh trách ẩm mốc ảnh hưởng tới không khí toàn khu nhà.
Tương tự như vậy, cầu thang cũng nên rộng rãi, sáng sủa, đi lại thoải mái. Cầu thang hình cánh cung sẽ giúp cho việc vận chuyển khí được dễ dàng hơn đồng thời cũng làm không gian nhà bạn mềm mại độc dáo hơn, tuy nhiên nó cũng chiếm diện tích và phức tạp về mặt kỹ thuật.
Một số những thủ pháp nhỏ sau đây có thể giúp nhà bạn đẹp và thoáng hơn:
Với những mẫu nhà nhỏ hay các căn hộ chung cư, để mang lại sinh khí cho ngôi nhà, gia chủ nên tận dụng mọi nguồn ánh sáng tự nhiên. Những không gian bí không khí và ánh sáng nên lắp quạt thông gió để không khí được lưu thông. Gia chủ cũng không nên chia nhỏ không gian bằng việc sử dụng vách ngăn hay tường.
Sau khi thực hiện công đoạn này, gia chủ sẽ cảm nhận rất rõ về một ngôi nhà được tiếp thêm năng lượng hay “đảo khí”.
Điều đó có nghĩa là gia chủ đã loại bỏ được những năng lượng cũ mốc, trì trệ và cung cấp nguồn năng lượng mới cho toàn bộ không gian sống.
Thêm vào đó, tất cả các đường ống nước dẫn nước và dây điện hư hỏng hay những chỗ tắc nghẽn, rò rỉ cần được sửa chữa ngay lập tức để tránh âm khí tích tụ, gây bất hòa và phá vỡ các mối quan hệ trong gia đình.
Trong phong thủy, việc trưng bày những đồ sứt mẻ, hư là điều tối kỵ với việc luôn giữ cho khí trong nhà tươi mới.
Và cuối cùng, nhất thiết nhà bạn phải sạch sẽ, không ẩm mốc, tạo ra một môi trường sống trong lành thì không khí trong nhà bạn sẽ luôn tràn đầy sức sống và mọi công việc đều hanh thông thuận lợi.