Sau đây là một số mẫu thiết kế tiểu cảnh dành cho nhà phố.
Tiểu cảnh dưới chân cầu thang
Lâu nay, mọi người vẫn thường coi gầm cầu thang nhà phố đơn giản là nơi cất đồ lặt vặt. Nhưng thực tế đó chính là vị trí quan trọng của một ngôi nhà phố, là điểm bắt đầu của giao thông đứng và ngang. Vì vậy, hãy tạo cho không gian đó một dáng vẻ mới nhờ tiểu cảnh.
Để có thể trồng cây trong tiểu cảnh dưới chân cầu thang, bạn nên tạo một gờ nhỏ bằng đá hoặc bằng những hàng rào thấp giả gỗ. Dưới gầm cầu thang thường thấp, vì vậy nên trồng những cây thấp để không chạm vào gầm thang. Cây dưới gầm thang thường là những cây chịu được ánh sáng yếu như đại phú gia, lan bạch chỉ, hồng môn, đỏ môn hay vạn niên thanh…
Bạn cũng có thể trang trí tiểu cảnh bằng những viên đá cuội hoặc sỏi nhỏ với màu trắng, xanh đan xen. Cây xanh trong tiểu cảnh dùng sỏi thường được trồng trong bình rồi lấp sỏi lên. Hiệu quả của cây xanh sẽ rất cao khi màu xanh mềm mại được mọc lên từ những đám sỏi khô cứng.
Để cây trong tiểu cảnh phát triển bình thường, nên lắp kính trên mái để lấy ánh sáng tự nhiên cho cây hấp thụ. Có thể dùng gạch kính hoặc cửa kính để lấy sáng từ ngoài vào nếu bên ngoài thoáng. Còn nếu do điều kiện căn nhà không thể lấy ánh sáng tự nhiên thì bạn nên dùng đèn day-light. Đây là loại đèn tạo ra ánh sáng giống ánh sáng mặt trời giúp cây quang hợp và phát triển bình thường như ở điều kiện ngoài tự nhiên. Bạn cũng có thể trang trí cho tiểu cảnh trong nhà mình thêm phần sinh động bằng những chiếc đèn tạo ra ánh sáng màu, như thế sẽ làm nổi bật tiểu cảnh trong nhà bạn.
Tiểu cảnh kết hợp thông tầng với tầng lửng tạo chiều sâu cho không gian
Tầng trệt và tầng lửng trong nhà phố thường được thiết kế lùi một khoảng để giúp công trình trở nên có chiều sâu. Tận dụng khoảng trống này, chủ nhà có thể thiết kế một tiểu cảnh sân vườn để thư giãn. Đây là kiểu thiết kế có tên gọi vườn thẳng đứng (hay còn gọi là Living Wall) đang là một trào lưu được sử dụng nhiều trong thiết kế kiến trúc.
Với một không gian không đủ rộng như khoảng trống thông tầng thì phong cách chủ đạo là vườn đá không thật sự thích hợp, Vì vậy, bạn nên tạo tiểu cảnh với một bức tường đá tự nhiên kết hợp với cây leo. Phần dưới của cảnh quan này có thể tạo một hòn nam bộ hoặc dòng suối chảy róc rách xuống một hồ thấp bên dưới.
Vườn trên sân thượng cho thiết kế nhà phố
Một không gian xanh dành riêng cho kiến trúc nhà phố chỉ rộng chừng 3 – 4m chiều rộng là một ước mơ khó thành hiện thực hiện. Với không gian kiến trúc này nên tận dụng sân thượng để tạo khu vườn nhỏ làm nơi thư giãn của gia đình hoặc sum họp bạn bè vào dịp cuối tuần. Nếu chọn cách đổ đất để tạo tiểu cảnh trên sân thượng trong kiến trúc này cần phải có cả một quá trình xử lý chống thấm rất phức tạp. Do đó, vườn treo sẽ là lựa chọn tốt nhất cho nhiều người mong muốn có một khu vườn tràn ngập sắc hoa suốt bốn mùa trong năm.
Kiến trúc nhà đẹp sẽ thêm phần xinh xắn khi khu vườn trên sân thượng được thiết kế thêm giàn cây treo với đủ màu sắc, hình dáng. Và để bốn mùa trong năm đều có hoa, thì ban nên treo xen kẽ thêm các loại giỏ lá cảnh và luân phiên thay đổi cây theo mùa để vườn treo nở hoa quanh năm. Các loại giỏ cây mà gia chủ nên lựa chọn là: cẩm thạch, nguyệt quế, phong lan, kim ngân…sẽ tạo cho khu vườn vẻ mềm mại duyên dáng tự nhiên. Có rất nhiều chất liệu để làm giàn hoa như sắt, thép, gỗ, mỗi chất liệu đều có vẻ đẹp riêng của nó.
Nếu yêu thích những khoảng cây xanh rộng hơn, bạn có thể tận dụng phần sân thượng vừa làm phòng thư giãn, vừa chừa một khoảng sân nhỏ để tạo một khu vườn mini. Chỉ cần làm một bồn cây dọc theo lan can, trồng những loài cây cỏ, hoa lá. Thế là kiến trúc nhà đẹp của bạn được điểm xuyết với sân thượng có mảng vườn nhỏ xinh để thưởng lãm, kề ngay phòng thư giãn. Tuy nhiên, do tính lộ thiên của sân thượng, nên nhiệt độ không gian này vào buổi trưa sẽ rất nóng. Do đó, nên lựa chọn những loại cây cảnh chịu nắng tốt và phù hợp với điều kiện khí hậu của nước ta.